Sụp mí mắt 1 bên không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhược thị hoặc cảnh báo bệnh nhân đang tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây sụp mí 1 bên mắt
Do bẩm sinh
Trẻ em từ khi sinh ra có thể đã bị sụp mí mắt 1 hay 2 bên. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là mí trên sa xuống. Phụ huynh cần chú ý quan sát phát hiện dị thường ở đôi mắt trẻ những năm tháng đầu đời. Việc mắt bị sụp mí sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn, lâu dài có thể làm ảnh hưởng thị lực của trẻ. Cha mẹ cần phát hiện sớm và đưa con đến khám tại các bệnh viện Nhãn khoa để có hướng điều trị kịp thời.
Lão hóa
Theo thời gian, da bị lão hóa dẫn đến chảy xệ, mí mắt không phải ngoại lệ. Lúc này da không còn đàn hồi tốt, con ngươi bị che 1 phần cản trở tầm nhìn. Ngay từ độ tuổi trung niên đã có thể gặp phải tình trạng này, tuổi càng cao thì mức độ sụp mí càng nặng hơn.
Do chấn thương, tổn thương thần kinh, bệnh lý về mắt
Nếu bị sụp mí 1 bên, có thể do ảnh hưởng của tác động ngoại cảnh như tai nạn, chấn thương hoặc tổn thương thần kinh hay căn bệnh nhược cơ… Hoặc có thể do các bệnh như viêm đau mắt, viêm bờ mi, lên chắp, lẹo mắt…
Sụp mí 1 mắt gây hại thế nào?
Khi bị sụp mí 1 mắt, thị lực của mắt này sẽ kém dần đi do mí mắt trùm xuống che phủ con ngươi. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được chữa trị thì có khả năng gây ra nhược thị cho người bệnh. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị và can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với tình trạng suy giảm thị lực vĩnh viễn.
Ngoài ra, việc sụp mí 1 bên khiến tầm nhìn của bệnh nhân không tương xứng, có thể dẫn tới tình trạng bị lác. Ngoài ra, sụp mí còn làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến bệnh nhân tự ti trong giao tiếp.
Nguy hiểm hơn, đây cũng có thể là biểu hiện sớm của các bệnh lý như nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III do u não,… có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Cần làm gì khi sụp mí 1 mắt?
Việc điều trị sụp mí 1 bên mắt là cần thiết và phải làm càng sớm càng tốt, nhất là đối với trẻ em vì nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến thị lực. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính gây nên tình trạng này để có phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh nhân.
Dùng thuốc nhỏ mắt
Nếu bị sụp mí do các vấn đề về mắt như đau - viêm mắt, kèm theo đó là tình trạng mỏi mắt, ngứa mắt,… thì bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, nên sử dụng theo liều lượng khuyến cáo, không lạm dụng để tránh gây kích ứng.
Để mắt được nghỉ ngơi
Làm việc cường độ cao, liên tục với máy tính có thể khiến mắt mỏi và bị sụp mí tạm thời. Do đó, hãy để đôi mắt được nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt lại và nằm thư giãn trong 10 - 15 phút. Đây cũng là bí quyết để bạn có đôi mắt sáng và khỏe mạnh.
Điều trị sụp mí mắt bằng phẫu thuật
Trường hợp bị sụp mí mắt do bẩm sinh, lão hóa hay tai nạn, hoặc nếu điều trị bệnh toàn thân ổn định mà vẫn bị sụp mi, bạn có thể được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, giúp khắc phục tình trạng sụp mí rõ rệt.
Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện một đường mổ nhỏ tại vị trí mí trên của mắt. Sau đó tiến hành điều chỉnh lại vùng cơ bằng cách kéo một phần cơ mi mắt lên cơ trán bằng các nhiên liệu như silicon, farcialata, dây treo sinh học,... Nhờ đó, mí mắt của bên sụp sẽ trở nên đồng đều và cân xứng với bên còn lại.