Nguồn đèn tia laser ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức an toàn dẫn đến nguy cơ xảy ra các tổn thương ở mắt rất khó phục hồi.
Hiểm họa từ đèn laser sân khấu
Hiện nay, nguồn đèn tia laser rất phổ biến trong đời sống từ các thiết bị cầm tay trong lớp học, đồ chơi trẻ em, đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Vì chưa được trang bị các kiến thức an toàn và sử dụng đúng cách, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm gây tổn hại đến sức khỏe.
Mới đây, một thanh niên 24 tuổi ở Ninh Bình đã nhập viện trong tình trạng mắt không thể nhìn rõ ký tự lớn nhất của bảng thị lực, chỉ nhìn được ngón tay kỹ thuật viên trong khoảng cách 3 mét, nguy cơ cao bị mù.
Tổn thương trong mắt của nam thanh niên ở Ninh Bình.
Được biết, người này làm nghề tổ chức sự kiện, bị đèn laser trang trí sân khấu chiếu trực tiếp vào mắt trong thời gian ngắn khoảng 2 giây. Tuy nhiên do anh đứng gần, cường độ ánh sáng cao dẫn đến tổn thương nặng ở mắt. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị một lỗ thủng tại hoàng điểm kèm theo xuất huyết dưới võng mạc, gây suy giảm thị lực nghiêm trọng. Bệnh nhân được điều trị tích cực, chống viêm, dưỡng mắt. Sau một tháng, thị lực cải thiện được 1/10.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2024, tại Hà Tĩnh cũng có trường hợp bệnh nhi T.V.L.A (8 tuổi, huyện Cẩm Xuyên) vào viện trong tình trạng mắt trái nhìn mờ đột ngột sau khi tiếp xúc trực tiếp với đèn laser sân khấu. Qua thăm khám cho thấy, thị lực mắt phải của bệnh nhân đạt 10/10 nhưng mắt trái giảm trầm trọng, chỉ còn có thể đếm ngón tay khoảng cách 0,5 m (ĐNT 0,5 m).
Qua phim chụp cho thấy, mắt của bệnh nhân T.V.L.A bị tổn thương nghiêm trọng. Nguồn: báo Hà Tĩnh
Sau khi thăm khám, soi đáy mắt và chụp hình màu đáy mắt trái cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết trước võng mạc và sau màng Hyaloid, các bác sĩ đã hội chẩn với chuyên gia đầu ngành và chẩn đoán ca bệnh điều trị phức tạp, khả năng phục hồi thị lực khó khăn, có thể để lại ám điểm vĩnh viễn do tổn thương hoàng điểm không hồi phục.
Đây không phải là những trường hợp hiếm gặp. Rất nhiều người đã suy giảm thị lực đột ngột ới các mức độ khác nhau do tiếp xúc với các nguồn đèn tia laser, nguồn ánh sáng mạnh trong quá trình sinh hoạt, vui chơi. Các tổn thương do laser gây ra tại mắt thường không gây đau đớn, thị lực có thể giảm đột ngột hoặc giảm từ từ theo thời gian. Việc điều trị các tổn thương này gặp rất nhiều khó khăn.
Đèn laser sân khấu gây hại thị lực thế nào?
Laser, viết tắt của Light Amplification by the Stimulated Emission of Radiation - Khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích, đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực giải trí. Công nghệ này kết hợp với các thiết bị quang học khác như màn chiếu, quả cầu gương, đầu máy chiếu từ xa và cáp quang, tạo nên những màn trình diễn đầy màu sắc và ấn tượng.
Khi được sử dụng đúng cách bởi các chuyên gia, ánh sáng laser mang đến hiệu ứng ấn tượng cho các sự kiện giải trí. Ngược lại, nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra một số rủi ro như: tổn thương mắt, bỏng da, cháy nổ, và các nguy cơ mất an toàn khác cho phi công, tài xế và những người có thể bị phân tâm hoặc tạm thời không nhìn thấy.
Theo các bác sĩ, đèn laser loại 3 (có công suất ra từ 5 mW - 500 mW) và 4 (có công suất cao trên 500 mW) nguy hiểm cho cơ thể con người, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như da và mắt. Laser có màu xanh lá cây, đỏ và vàng được tạo ra ở các bước sóng khác nhau.
Học viện Nhãn khoa Mỹ cũng khẳng định, đèn laser công suất lớn hơn 5 MW có thể gây tổn thương võng mạc và mù lòa vĩnh viễn. Do đó, cần hướng chùm tia laser lên trên hoặc về phía bầu trời để tránh chiếu vào mắt người khác.
Để cảnh báo người sử dụng, Hội Nhãn khoa Poona (POS) đã thông tin về những nguy cơ tiềm ẩn của đèn laser, đặc biệt là loại có công suất lớn hơn 5 mW, đối với võng mạc. Tiếp xúc với chùm tia laser có thể gây ra các triệu chứng như tổn thương mắt, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt và chảy nước mắt.
Do đó, để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc ảnh hưởng đến đôi mắt cũng như sức khỏe, người dân cần nâng cao nhận thức về sử dụng đúng cách và tính an toàn của nguồn sáng laser.
Tổng hợp