Cùng với quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, đôi mắt cũng phải đối diện với nguy cơ gặp các bệnh lý gây suy giảm thị lực khi tuổi tác lớn dần theo thời gian. Hiểu rõ các bệnh lý về mắt ở người già và thăm khám, điều trị kịp thời sẽ giúp người cao tuổi duy trì được thị lực.
Đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là bộ phận nằm phía sau đồng tử, trong suốt và có độ đàn hồi, đóng vai trò như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc để mắt nhìn rõ. Theo tuổi tác, độ đàn hồi và trong suốt của thủy tinh thể giảm đi, xuất hiện màu vàng đục, hay còn gọi là bệnh đục thủy tinh thể. Bệnh lý này khiến hình ảnh thu được bị mờ, lóa, sai khác về màu sắc. Nếu để bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, thủy tinh thể đục chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu.
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới nhưng hoàn toàn có thể điều trị được bằng phẫu thuật thay thủy tinh thể. Người cao tuổi nên duy trì lịch khám mắt định kỳ tối thiểu 2 lần/năm để tầm soát bệnh cũng như nhận chỉ định điều trị khi cần thiết.
Bệnh Glôcôm
Bệnh Glôcôm là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, là nguyên nhân thứ 2 gây mù sau đục thủy tinh thể trên phạm vi toàn cầu. Bệnh Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau. Trong đó, Glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở.
Tuổi càng cao càng dễ mắc Glôcôm. Tỷ lệ Glôcôm nguyên phát là 0,5% ở những người dưới 40 tuổi và 2% ở những người trên 40 tuổi. Ở tuổi 70 nguy cơ bị Glôcôm với cả 2 hình thái cao gấp 3-8 lần so với lứa tuổi 40.
Người cao tuổi nên xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý, bổ sung chế độ dinh dưỡng, kiểm soát tốt các bệnh lý tiểu đường, huyết áp, tim mạch (nếu có) và đặc biệt, cần thường xuyên đi khám mắt định kỳ và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ vì diễn biến bệnh rất khó kiểm soát, khi thị lực bị mất đi do Glôcôm sẽ không thể lấy lại được.
Thoái hóa hoàng điểm (Thoái hóa điểm vàng)
Điểm vàng (hay còn gọi là hoàng điểm) là một bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm võng mạc, nơi tập trung hàng triệu tế bào cảm quan, đóng vai trò thu nhận hình ảnh. Thoái hóa điểm vàng là sự thoái hóa các tế bào điểm vàng làm mất đi khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác khiến hình ảnh được nhìn thấy mờ, méo mó và biến dạng.
Thoái hóa điểm vàng ở mắt thường xuất hiện ở người cao tuổi, có khoảng 10-12% những người trên 65 tuổi mắc bệnh thoái hóa điểm vàng, tỉ lệ người mắc bệnh trên 75 tuổi là 30%. Nguy cơ mắc bệnh với những người hút thuốc là thường xuyên cao hơn 2 -5 lần với người không hút thuốc. Ngoài ra những người bị thừa cân, huyết áp cao, tăng cholesterol, đái tháo đường cũng góp phần gây ra bệnh thoái hóa điểm vàng.
Thoái hóa điểm vàng không mang lại cảm giác đau đớn, nhưng khi bệnh đã nặng sẽ gây suy giảm thị lực, không thể phục hồi, các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục đích làm chậm sự phát triển của bệnh. Do đó, cần quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa bệnh bằng việc thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng như cá, các thực phẩm giàu Omega, trái cây, các rau lá xanh đậm, bổ sung các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, đeo kính râm khi đi ra ngoài nắng và thay đổi thói quen cũng như điều chỉnh thời gian sử dụng các thiết bị điện tử là cần thiết. Người bệnh có nguy cơ cần đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để đề phòng hoặc phát hiện sớm bệnh.
Võng mạc đái tháo đường
Võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, khiến mao mạch ở võng mạc bị tổn thương. Bệnh sẽ gây ra những tổn thương nặng nề ở đáy mắt như xuất huyết võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính,…thậm chí dẫn đến mù lòa. Vì thế, người cao tuổi, đặc biệt là người bị đái tháo đường cần tuân thủ liệu trình điều trị của bác sỹ để kiểm soát vấn đề đường huyết, đồng thời thăm khám mắt định kỳ để kiểm tra biến chứng của đái tháo đường lên mắt nhằm phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.
Khô mắt
Người già thường có hiện tượng thiếu hụt lượng nước mắt dẫn đến việc nhãn cầu không còn được làm ẩm gây khô mắt. Nguyên nhân là do càng cao tuổi, tuyến nước mắt càng hoạt động kém. Đồng thời, việc phải sử dụng nhiều loại thuốc kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến mắt, khiến mắt bị khô. Bệnh khô mắt cần được điều trị sớm, để bệnh kéo dài có thể dẫn tới các bệnh viêm nhiễm về mắt.
Nếu phát hiện các dấu hiệu khô mắt như cay mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, nhức mỏi mắt… cần đi khám chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị hỗ trợ kịp thời như nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc tra thuốc dạng gel để giữ ẩm cho mắt.
Ở tuổi xế chiều, người lớn tuổi cần được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, đặc biệt là bảo vệ thị lực để có thể tận hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu. Việc thăm khám, kiểm tra mắt định kỳ ít nhất 3- 6 tháng 1 lần là cần thiết để đề phòng và phát hiện sớm các bệnh lý ở mắt người cao tuổi.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga Hà Nội là địa chỉ thăm khám các bệnh lý nhãn khoa hàng đầu đối với người cao tuổi. Với ưu điểm về thiết bị y tế hiện đại, công nghệ phẫu thuật tiên tiến và đặc biệt là đội ngũ chuyên gia Liên Bang Nga giàu kinh nghiệm sẽ phát hiện chính xác và lên phác đồ điều trị hiệu quả cho từng bệnh nhân.
Người cao tuổi muốn đặt lịch khám nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga Hà Nội, liên hệ hotline 09.69.88.88.01 - 09.69.88.88.02 để được tư vấn.